Tết Trung Thu hay còn gọi với cái tên thân thương là Tết Đoàn Viên tại Việt Nam – một ngày lễ truyền thống của các nước trong khu vực Châu Á. Và tại Nhật Bản, Tết Trung Thu được xem là một ngày lễ lớn được gọi là Tsukimi hay Otsukimi có nghĩa là “ngắm trăng”. Lễ hội này diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch (vào tháng 9 – 10 dương lịch).
Mặc dù, xứ Phù Tang nằm trong khu vực Á Đông nhưng Tết Trung Thu tại đây có những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt. Trong bài viết này, hãy cùng Sushi World tìm hiểu xem sự khác biệt thú vị ngày Tết Trung Thu của người Nhật nhé!
1. Nguồn gốc Tết Trung Thu Nhật Bản
Theo tương truyền, Otsukimi hay còn gọi là Tsukimi – Tết Trung Thu Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập đến Nhật vào thời kỳ Nara (710 – 794). Tuy nhiên đến thời Heian (794 – 1185) lễ hội này mới được biết đến nhưng hầu hết chỉ có tầng lớp quý tộc mới tổ chức vui chơi trong ngày Otsukimi.
Mãi đến thời Edo (1603 – 1868) Tết Trung Thu mới thật sự lan tỏa trên toàn quốc. Vào ngày này, người dân tụ tập ăn uống, ca hát nhảy múa và cầu nguyện cho mùa màng bội thu.
Tình hình kinh tế và văn hóa Nhật Bản ngày càng phát triển và đã có sự chuyển biến to lớn. Tuy nhiên, người dân vẫn gìn giữ lễ hội dân gian truyền thống và thay đổi để phù hợp với thời điểm hiện tại. Ngày nay, vào ngày Tết Trung Thu ở Nhật Bản, tất cả mọi người sẽ trong các gia đình sẽ cùng nhau ngồi lại, quây quần, sum họp bên nhau, cùng trò chuyện thân mật, thưởng thức những chiếc bánh cùng với tách trà nóng, vui vẻ ngắm trăng. Một số khác sẽ chọn hình thức ngắm trăng trên thuyền tại những con sông thơ mộng, yên bình, có chút se lạnh của mùa Thu.
2. Câu chuyện Thỏ Ngọc Cung Trăng
Nếu như người Việt Nam tưởng tượng trên cung trăng có cây đa, chú Cuội và chị Hằng, thì người Nhật Bản tin rằng có một chú thỏ đang sinh sống trên vương quốc của thần Mặt trăng và đến đêm Otsukimi lại giã bột làm bánh dày mochi. Liên tưởng về một chú thỏ đang ngồi ăn bánh dango cũng xuất hiện nhiều địa phương trên nước Nhật.
Ngoài ra, câu chuyện thỏ ngọc bắt nguồn từ một truyền thuyết của người Ấn Độ. Truyện kể về 3 loài vật cáo, khỉ và thỏ được Thượng đế giao cho nhiệm vụ tìm kiếm thức ăn để biếu cho ông lão nghèo khó.
Vốn có thuộc tính hái lượm, khỉ đã nhanh chóng trèo hết cây này sang cây khác để hái những trái cây tươi ngon. Con cáo khôn lanh thì tìm đến các ngôi mộ – nơi người ta đặt đồ cúng vái để lấy trộm. Khi ấy thỏ chẳng biết phải làm gì chỉ biết cách lao vào đống lửa để hiến tặng thân mình để làm thức ăn cho ông lão. Cảm động trước tấm lòng của thỏ ngọc, Thượng đế đã rước thỏ lên cung trăng và tôn vinh trước muôn loài.
Từ đó hình ảnh thỏ ngọc gắn liền với Tết Trung thu Nhật Bản. Trong các mâm bánh dâng lên tổ tiên sẽ luôn có hình tượng chú thỏ trắng với viền đỏ được đặt cạnh.
3. Tết Trung Thu Nhật Bản được tổ chức 2 lần
Nếu như ở Việt Nam hay một số quốc gia châu Á, trung thu tổ chức 1 năm 1 lần vào dịp rằm tháng 8 âm lịch thì người Nhật tổ chức 2 lần 1 năm, đây một điểm khác biệt khá thú vị về ngày Tết Trung Thu tại xứ Phù Tang.
Tổ chức lần đầu tiên vào ngày trăng tròn của mùa thu (rằm tháng 8 âm lịch 15/8) và người Nhật gọi ngày này là Zyuyoga. Đây là ngày mà trăng tròn sáng nhất, được người Nhật yêu thích nhất. Ngoài ngày Zyuyoga, thì người Nhật còn tổ chức ngày Otsukimi lần thứ 2 vào khoảng 1 tháng – ngày 13/9 âm lịch, đêm 13 này còn được người Nhật gọi là “trăng sau”.
Và người Nhật đã quan niệm với nhau rằng, nếu đã ngắm trăng vào ngày 15 thì nhất định phải ngắm trăng vào ngày. Vì khi chỉ ngắm trăng ngày 15 sẽ gặp những điều xui xẻo, không may và điều kiêng kị này trong tiếng Nhật gọi là “Kaka-tsukimi”. Đây cũng là một nét khác biệt của ngày Tết Trung Thu ở Nhật Bản so với các nước Á Đông trong khu vực.
4. Đón Tết Trung Thu theo phong cách Nhật Bản
4.1 Nơi ngắm trăng vào ngày Tết Trung Thu
Vào ngày Tết Trung Thu, người Nhật lựa chọn những nơi có thể là trong phòng bên cạnh cửa sổ, trong vườn, ở hiên nhà hay bất kỳ nơi nào thoáng đãng có thể ngắm trăng thuận tiện nhất. Nếu chọn một nơi mà tầm nhìn bị che chắn thì sẽ không thưởng thức được đêm trăng đẹp một cách trọn vẹn được.
4.2 Đồ cúng vào ngày Tết Trung Thu
Nhắc đến Tết Trung thu, người Việt Nam sẽ nghĩ ngay đến những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về Nhật Bản, vào ngày lễ Otsukimi bạn sẽ cảm thấy có chút thân quen với loại bánh trung thu này!
Tsukimi-dango là tên gọi của bánh trung thu Nhật Bản (thường được gọi là dango), đây là loại bánh truyền thống được bày ra vào đúng ngày rằm tháng 8 âm lịch. Việc dâng cúng loại bánh này với mục đích chính là để dâng lên thần linh, tổ tiên cầu mong cho mùa màng bội thu, và người Nhật còn quan niệm rằng chúng sẽ giúp bạn trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Cách làm bánh Tsukimi-dango rất đơn giản, tương tự cách làm bánh trôi nước ở Việt Nam, chỉ khác nguyên liệu. Để làm bánh Dango, người ta thường sử dụng bột Shiratama pha với bột Joushinko nên tạo ra chiếc bánh có độ cứng vừa, dai, dẻo.
Vào đêm 15, người Nhật thường xếp khoảng 15 viên bánh dango lên đĩa để cúng. Tuy nhiên, tùy theo năm thường hay năm nhuận mà cũng có người chọn số bánh bằng số đêm trăng tròn trong năm là 12 hoặc 13 viên, hoặc là 5 viên. Vào đêm 13/9 thì sẽ cúng 13 hoặc 3 viên bánh.
Sau khi cúng, bánh được đem nướng sơ cho hơi giòn, quết mật đường lên, ăn kèm với bột đậu nành Kinanko hay đậu đỏ, nhấm nháp với trà xanh.
4.3 Vật trang trí nhà cửa vào ngày Tết Trung Thu
Vật trang trí phổ biến nhất trong lễ hội Otsukimi chính là một trong bảy loại cỏ nổi tiếng của mùa thu Nhật Bản: Cỏ lau (Susuki). Từ xưa, cỏ lau được xem như là hiện thân của thần mặt Trăng, đem đến sự sung túc cho gia đình và giúp mùa màng bội thu. Ngoài ra, cũng có nơi cho rằng hình dáng chĩa nhọn của sợi cỏ lau có khả năng xua đuổi ma quỷ. Vì vậy, cỏ lau cũng thường được đem treo trước cửa nhà.
Ngoài cỏ lau, vật trang trí khác thường thấy là 6 loại cỏ mùa thu còn lại gồm có hồ chi (Hagi), sắn dây rừng (Kuzu), hoa nữ lang (Ominaeshi), trạch lan (Fujibakama), cát cánh (Kikyo) và cẩm chướng (Nadeshiko), cùng nhiều loại hoa dại khác.
4.4 Các loại rau, quả khác vào ngày Tết Trung Thu
Giống như tên gọi khác của đêm 15 là “Imomeigetsu” (trăng mùa khoai), Otsukimi còn được xem là lễ cầu chúc cho mùa thu hoạch khoai các loại. Do đó, vào đêm này, cũng có thể cúng khoai tây lẫn khoai môn. Còn đồ cúng thích hợp của đêm 13 là lê và đậu các loại.
Thêm vào đó, việc cúng các loại rau quả khác mà tự tay trồng còn mang ý nghĩa cảm tạ thần linh đã mang đến những vụ mùa tươi tốt. Tùy theo từng địa phương mà các loại rau quả này sẽ khác nhau. Đặc biệt, người Nhật tin rằng nếu cúng những loại trái cây như nho thì điều ước sẽ dễ thành hiện thực.
4.5 Các hoạt động vào ngày Tết Trung Thu Nhật Bản
Thờ cúng thần Mặt Trăng – Thể hiện lòng biết ơn
Vào ngày rằm tháng 8 hay 13/09 âm lịch hằng năm, người dân Nhật Bản sẽ bày biện bánh Tsukimi Dango trên một mâm lớn. Việc bày trí này cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỳ công do phải sắp xếp sao cho chúng tựa hình chiếc tháp vững chãi.
Người ta sẽ đặt đĩa bánh lên bàn và chậu cỏ lau – loài cây quen thuộc vào mùa thu Nhật Bản – lên cùng 1 mâm. Sau đó mang chúng ra giữa sân đối với những gia đình ở đồng quê hoặc mang ra nơi có ánh trăng nếu bạn sống ở khu vực thành thị. Kết thúc thời gian cúng trăng, mọi người sẽ cùng nhau ăn bánh, uống trà và kể với nhau về những sự kiện đã qua. Đây được xem là truyền thống hết sức đặc sắc trong văn hóa Nhật Bản và được lưu truyền đến tận ngày nay.
Rước đèn cá chép vào ngày Tết Trung Thu
Cũng giống như các trẻ em ở Việt Nam, thì trẻ em ở Nhật Bản cũng rước đèn vào dịp Trung Thu. Tuy nhiên khác những chiếc lồng đèn ngôi sao truyền thống ở Việt Nam các trẻ ở xứ Phù Tang chơi rước đèn cá chép.
Theo quan niệm của Nhật cho rằng: Cá chép là hiện thân cho lòng can đảm và sự mạnh mẽ bất diệt. Cá chép hiện thân của võ sĩ Samurai vì nó dám lội ngược dòng thác nước chịu bao nhiêu khó khăn để có được thành quả tốt đẹp, được người Nhật vô cùng thán phục.
Thắp hương – Cầu nguyện cho hạnh phúc
Trong thời gian Tết Trung Thu ở Nhật Bản thì các địa điểm đền thờ sẽ là nơi nổi tiếng nhất. Hầu như tất cả mọi người ai cũng diện một kimono truyền thống dân tộc để đến một ngôi đền, dâng hương với cả gia đình họ.
Hầu hết các đền thờ tại Nhật Bản đều có tổ chức trình diễn những bài hát, những giai điệu múa truyền thống. Ở một số nơi tại Nhật còn tổ chức hẳn một cuộc diễu hành thật lớn và hoành tráng. Mọi người sẽ được cùng nhau xem múa lân ở mọi nơi, nhất là ở Chinatown – nằm ở Kobe và Yokohama.
5. Lễ hội trung thu tại Nhật Bản
Lễ hội Trung Thu tại Nhật Bản được tổ chức rất quy mô và rực rỡ tại các thành phố lớn như Tokyo, Kyoto, Osaka, Yokohama và Kobe. Tại đây, du khách có thể tham gia các hoạt động như: xem diễu hành, ngắm trăng, ăn uống và chơi game truyền thống.
Một trong những lễ hội Trung Thu lớn nhất tại Nhật Bản là lễ hội Tsukimi ở Mukojima-Hyakkaen Gardens (Tokyo), nơi có hàng nghìn người đến tham dự mỗi năm để chiêm ngưỡng cảnh vật thiên nhiên và đồng thời thưởng thức các loại bánh truyền thống.
Với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, lễ hội Trung Thu tại Nhật Bản ngày càng được yêu thích. Đặc biệt, sự xuất hiện của các nhân vật anime và manga đã làm cho lễ hội này trở nên thú vị và hấp dẫn hơn đối với giới trẻ. Một trong những lễ hội Trung Thu được tổ chức rất phổ biến tại Nhật Bản là lễ hội Tsukimi Bon Odori, diễn ra vào tháng 9 tại khu phố Asakusa thuộc Tokyo. Lễ hội này được tổ chức với mục đích gây quỹ từ thiện và có các hoạt động như diễu hành, múa yosakoi và múa Bon Odori.
6. Những điểm đến thú vị để tham quan trong lễ hội Trung Thu tại Nhật Bản
Nếu bạn muốn trải nghiệm lễ hội Trung Thu tại Nhật Bản, có rất nhiều địa điểm thú vị để tham quan. Dưới đây là một số địa điểm bạn có thể ghé thăm:
- Mukojima-Hyakkaen Gardens (Tokyo)
- Kameido Tenjin Shrine (Tokyo)
- Kiyomizu-dera Temple (Kyoto)
- Hikawa Shrine (Saitama)
- Sankeien Garden (Yokohama)
Tại các địa điểm này, bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh vật thiên nhiên tuyệt đẹp, thưởng thức các món ăn truyền thống và tham gia các hoạt động truyền thống đặc sắc của lễ hội Trung Thu.
Kết luận
Mặc dù Tết Trung Thu là một ngày lễ được tổ chức ở nhiều quốc gia châu Á, tuy nhiên, cách tổ chức và các hoạt động liên quan đến lễ hội này lại khác nhau. Ví dụ, trong khi người Việt Nam thường sử dụng lồng đèn bằng giấy để trang trí cho ngôi nhà và đường phố, người Nhật lại dùng cây susuki để tạo ra bóng cảnh trên mặt đất.
Ngoài ra, thức ăn truyền thống của Tết Trung Thu cũng có sự khác biệt. Trong khi người Việt Nam mình ưa thích các món bánh trôi, bánh nướng và bánh đậu xanh, người Nhật lại ăn mochi – một loại bánh gạo nếp dẻo được cuộn thành hình tròn và phủ đường.
Tết Trung Thu Nhật Bản là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất của người dân Nhật Bản. Với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, lễ hội này đã trở thành một sự kiện rất phổ biến và được yêu thích bởi nhiều người. Chúng ta đã tìm hiểu qua các nét đặc trưng, thức ăn truyền thống, hoạt động truyền thống, cách tổ chức lễ hội tại các thành phố lớn và những điểm đến thú vị để tham quan trong lễ hội này. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong việc tìm hiểu về Tết Trung Thu Nhật Bản nhé!